Giảm Độc Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Bằng Chế Phẩm An Toàn
Hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam (2014). Hội thảo về “Giải pháp giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật độc hại trong sản xuất nông nghiệp”.
GIẢM ĐỘC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
BẰNG CHẾ PHẨM DẠNG AN TOÀN
TS. Phạm Thị Phong
TÍNH ĐỘC CỦA THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Thuốc bảo vệ thực vật là loại vật tư nông nghiệp quan trọng, ngoài lợi ích bảo vệ mùa màng, thuốc còn có mặt hạn chế, đó là tính độc của thuốc. Thuốc bảo vệ thực vật và phụ gia của nó được coi là chất độc với những cấp độ khác nhau, có thể gây độc cho sức khoẻ của người tiếp xúc với thuốc, gây cháy nổ, gây độc với môi trường.
Độc với người. Sự nhiễm độc có thể sảy ra khi thuốc tiếp xúc qua da, qua đường hô hấp và qua đường miệng. Nhiều loại thuốc trừ sâu dưới dạng lỏng hoặc dạng rắn có thể thấm qua da đi vào hệ tuần hoàn máu. Độc hô hấp là một trong những con đường ngộ độc nhanh vì các chất độc từ khói, hơi hoặc bụi có thể qua đường hô hấp, qua phổi vào hệ tuần hoàn máu. Độc đường miệng là cách ngộ độc ít gặp, liên quan đến việc ăn uống và hút thuốc mà không rửa tay.
Độc cháy nổ. Để bắt đầu sự cháy hay sự nổ của chất dễ bắt cháy (khí, lỏng, rắn) thì phải có ba điều kiện cùng tồn tại trong một thời điểm ở một chỗ là chất gây cháy nổ, ô xi trong không khí, nguồn gây cháy nổ.
Nguồn gây cháy là bụi. Để có nổ bụi thì chất gây nổ phải ở dạng mây bụi. Thiếu một trong ba yếu tố gây nổ như mây bụi, không khí, nguồn bắt cháy thì có thể tránh được nổ bụi. Sự đánh lửa của lớp bụi có thể gây cháy. Sự đánh lửa của đám mây bụi có thể gây nổ, thậm chí một chất không thể bắt lửa ở điều kiện bình thường có thể nổ mạnh khi nghiền nhỏ thành đám mây bụi. Bụi càng mịn thì càng dễ tạo đám mây bụi, làm cho đám mây bụi tồn tại lâu hơn, năng lượng gây nổ nhỏ hơn, mức độ nguy hiểm cháy nổ lớn hơn.
Nguồn gây cháy là dung môi. Điểm chớp cháy là yếu tố cần lưu ý nhất khi làm việc với dung môi. Điểm chớp cháy là nhiệt độ thấp nhất của chất lỏng tại đó hơi của chất lỏng có thể bắt cháy. Trên nhiệt độ này chất lỏng có thể tạo thành hỗn hợp hơi và không khí gây nổ. Sự vượt áp suất sảy ra nếu chất lỏng chứa trong bình kín (như thùng chứa, lọ) bị làm nóng bên ngoài (như lửa, chiếu sáng...) làm áp suất tăng lên sẽ dẫn tới vỡ chai. Và điều này có thể dẫn tới bốc cháy hay nổ.
Độc với môi trường. Một số loại thuốc bảo vệ thực vật độc động vật thuỷ sinh. Nguy cơ với môi trường là khí độc, bụi độc, nước thải. Những nguy cơ cơ bản là sản phẩm rò rỉ và nước cứu hoả.
HƯỚNG GIẢM ĐỘC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
1. Giảm loại thuốc chứa hoạt chất có độ độc cao, thời gian phân hủy dài. 2. Sử dụng dạng chế phẩm thuốc an toàn. 3. Sử dụng thuốc đúng và sử dụng bảo hộ lao động
GIẢM ĐỘC BẰNG DẠNG THUỐC AN TOÀN
Tính độc liên quan đến dạng thuốc. Thuốc dạng nhũ dầu và dạng dung dịch có độ độc cao hơn thuốc dạng hạt và dạng bột với cùng một loại hoạt chất, do tác động của dung môi có trong thành phần thuốc. Các dung môi khác nhau tạo ra độ độc khác nhau. Thuốc dạng rắn cùng một loại hoạt chất có độ độc khác nhau phụ thuộc vào cỡ hạt, hạt càng mịn thì độ độc hô hấp và độc cháy nổ càng cao. Nhìn chung độ độc của thuốc tăng theo dãy dạng thành phẩm: GR, WG < SC, EW, ME < SL < WP, EC. Nhưng độ khó trong việc gia công thì lại tăng theo dãy dạng thành phẩm: EC < SL, SP, GR < WP, SC < EW, ME.
Lợi ích của dạng thuốc an toàn. Dạng thuốc an toàn hạn chế sử dụng dung môi, tăng cường sử dụng chất mang là nước, hạt. Lợi ích của dạng thuốc an toàn là: giảm độc với người, giảm độc cháy nổ, giảm lượng bao bì là chai nhựa khó xử lý sau sử dụng, giảm lượng lớn dung môi đắt đỏ có nguồn gốc hóa thạch, và đồng thời cũng là biện pháp hạn chế biến đổi khí hậu. Vì vậy, với một lượng thuốc bảo vệ thực vật rất lớn được sử dụng trong nông nghiệp, rất cần chú ý chuyển sang dạng chế phẩm an toàn.
Xu hướng thay đổi dạng thuốc. Dạng thuốc an toàn có xu hướng giảm dung môi trong thành phần thuốc, tăng chế phẩm nền nước, tăng chế phẩm nền hạt, giảm chế phẩm nền bột để giảm bụi, tăng chế phẩm giải phóng chậm, tăng thuốc có liều lượng hoạt chất thấp, tăng thuốc sinh học.
Thống kê dạng thuốc tại VN và so sánh với nước ngoài. Dưới đây là thống kê số tên thương mại đăng ký trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam ứng với dạng chế phẩm đăng ký.
Dạng chế phẩm |
Ký hiệu |
Độ an toàn |
Tên thuốc VN,% |
Tên thuốc GER,% |
ACC nghiên cứu |
Sản phẩm dạng rắn |
|
|
|
|
|
Thuốc bột |
DP |
- |
1.0 |
0.4 |
|
Thuốc hạt |
GR |
+++ |
4.6 |
6.8 |
+++ |
Thuốc bột thấm nước |
WP |
- |
33.0 |
2.8 |
|
Thuốc hạt phân tán |
WG |
+++ |
5.9 |
13.2 |
|
Thuốc viên phân tán |
WT |
++ |
1.1 |
0.3 |
|
Thuốc bột tan |
SP |
++ |
2.7 |
0.1 |
++ |
Thuốc hạt tan |
SG |
++ |
0.3 |
1.3 |
|
Sản phẩm dạng lỏng |
|
|
|
|
|
Thuốc dung dịch |
SL |
+ |
12.1 |
10.4 |
+ |
Thuốc nhũ dầu |
EC |
-- |
37.4 |
11.0 |
|
Thuốc nhũ dịch dầu trong nước |
EW |
++ |
1.4 |
2.8 |
|
Thuốc dạng vi nhũ |
ME |
++ |
0.4 |
0.4 |
++ |
Thuốc dạng huyền phù |
SC |
++ |
12.8 |
13.7 |
|
Thuốc dạng huyền phù để sử lý hạt giống |
FS |
++ |
0.3 |
3.5 |
|
Thuốc dạng huyền phù gốc dầu |
OD |
++ |
0.4 |
0.5 |
|
Thuốc nhũ dịch huyền phù |
SE |
++ |
0.6 |
2.0 |
|
Tổng số tên thương phẩm thuộc dạng không an toàn tiêu biểu, % |
|
|
70,4 |
13,8 |
|
Con số được thống kê rất đáng suy nghĩ.
Một số nghiên cứu của Công ty tư vấn Hóa Nông ACC. Công ty tư vấn Hóa Nông ACC đã nghiên cứu trong phòng thí nghiệm một số loại thuốc chuyển dạng an toàn như dưới đây:
STT |
Hoạt chất |
Dạng thành phẩm |
1 |
Alpha-cypermethrin 5% |
ME |
2 |
Beta-cyfluthrin 2.8% |
ME |
3 |
Cypermethrin 10% |
ME |
4 |
Etofenprox 10% |
ME |
5 |
Fenpropathrin 10% |
ME |
6 |
Emamectin benzoate 2% |
SL |
7 |
Fipronil 0.3 GR |
GR phân giải chậm |
8 |
Acetamiprid+Imidaclorprid (3%+2%) |
SP |
ĐỀ XUẤT CỦA CÔNG TY TƯ VẤN HÓA NÔNG (ACC)
Vai trò của nhà quản lý nên được thể hiện trong chính sách thực hành sản xuất tốt với thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm dạng an toàn của thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích đăng ký thuốc dạng an toàn và hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm dạng an toàn của thuốc bảo vệ thực vật. Vai trò của nhà công nghiệp là chủ động nghiên cứu sản xuất chế phẩm dạng an toàn của thuốc bảo vệ thực vật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Guidelines for Quality Control of Pesticides, GIFAP, 1985.
Guidelines for the safe formulation and packing of pesticides, GIFAP, 1993.
Intergrated international safety guidelines for pesticide formulation in developing countries, UNIDO, 1992.
Pesticides. Problems, Improvements, Alternatives. Edited by Frank den Hond, Peter Groenewegen and Nico M. van Straalen. 2003 by Blackwell Science Ltd.
Chế phẩm bảo vệ thực vật vi nhũ tương chứa beta-xyfluthrin dùng để kiểm soát côn trùng. Phạm Thị Phong. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Bằng giải pháp hữu ích số 1191, cấp ngày 28/7/2014.